Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

ĐI LỄ CHÙA NGÀY RẰM THÁNG GIÊNG

Nhiều người tin rằng rằm tháng giêng - rằm đầu tiên trong năm - là ngày đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của phật tử. Tuy không đông đúc nhưng rằm tháng giêng vẫn là một dịp các chùa chiền thu hút nhiều người đến lễ Phật bởi quan niệm: “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”.

 

Chùa Long Khánh

 

Dù có là phật tử hay không thì những người đi chùa ngày rằm tháng giêng đều có chung một ước nguyện: cầu mong cho gia đình được bình an, hạnh phúc, khỏe mạnh. Người trẻ chưa có gia thất đang mơ về một ý trung nhân thì thêm ý nguyện cầu duyên; người khó khăn đường con cái thì cầu tự; người buôn bán làm ăn thì cầu tài cầu lộc; người già thì xem việc đi chùa vào những dịp lễ lạt như là một niềm vui, giúp cho tâm hồn thanh thản, giảm bớt sân si. Và mẹ tôi cũng là một người như vậy.

 

Chùa Di Đà Thập Tháp

 

Đứng ở góc nhìn của đạo Phật, Hòa thượng Thích Nguyên Phước - trụ trì Tổ đình Long Khánh - lý giải: “Ngày rằm chỉ là một trong nhiều thời điểm đi lễ chùa của tháng giêng. Mùa lễ lạt, hành hương về với các chùa chiền đã bắt đầu trước đó, từ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ - năm mới và kéo dài cho đến hết tháng giêng. Đi chùa trong tháng giêng là một nét văn hóa truyền thống của người Việt ta. Vào lúc giao thừa, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người ta đi chùa cầu cho năm mới được an vui, may mắn, cầu Phật gia hộ cho gia đình mình được bình an. Mùng 1 Tết là ngày vía đức Phật Di lặc, ngài là biểu thị cho sự hoan hỉ, vui vẻ, nên nhiều người đi chùa để mong niềm vui đến với mình cả năm. Những ngày xuân sau đó, người ta đi chùa cầu an. Rằm tháng giêng, còn được gọi là thượng nguyên giai tiết, là ngày rằm đầu năm, nên người đi chùa hướng tâm cầu nguyện cho bản thân, gia đình, gia đạo được bình an, may mắn, đắc tài đắc lộc trong năm mới”.

Đi chùa, ngoài lễ bái, thì trong niềm tin của nhiều người, xin được một chút lộc của nhà chùa sẽ được may mắn cả năm. Lộc đầu năm, đó có thể là một cành lá non hái trong vườn chùa, bởi cành lá đang đâm chồi là biểu thị cho sự tiến tới, cho tương lai tươi đẹp. Có khi lộc là một phong bao trong đó có tờ 500 đồng hoặc 1.000 đồng mới mà nhà chùa ban cho thiện nam tín nữ. Và lộc xuân của nhà chùa, lại có lúc là một phong bao đỏ trong có tấm hình đức Phật và lời chúc Tết. Một hòa thượng ở Tổ đình Long Khánh cho biết, Tết Canh Dần qua, chùa làm mấy ngàn “lộc xuân” như thế và đã được hái hết veo trong tối giao thừa và sáng mùng 1 Tết.

 

Chùa Ông Núi (chùa Linh Phong)

 

So với những ngày lễ lớn trong năm (Lễ Phật Đản, Vu Lan, rằm tháng 8, Tết Nguyên đán,...), dịp rằm tháng giêng là ngày khiến gia đình tôi chộn rộn nhất vì chuẩn bị cho việc cúng sao giải hạn. Ngay từ những ngày đầu năm mới, mẹ tôi đã lục đục đi đóng tiền, đăng ký tên và ngày sinh của tất cả mọi người trong nhà tại đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (nơi mà từ lâu mẹ tôi đã có niềm tin vào sự phù hộ, độ trì cho gia đình tôi vượt qua những thời điểm khó khăn nhất).

Và chỉ mỗi dịp cúng sao giải hạn gia đình tôi tập trung đi đông đảo nhất, ngay từ lúc chiều mẹ tôi đã dặn mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo tươm tất để đúng 19h00 bắt buộc phải có mặt tại đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Năm nay cả nhà tôi đều có sao chiếu mệnh xấu cả: mẹ tôi sao Thái Bạch, chị tôi cùng anh rể sao Kế Đô, tôi sao Thái Âm, chỉ mỗi ba tôi là có sao chiếu mệnh tốt thôi. Sau khi thực hiện những thủ tục thắp nhang, lễ Thánh theo quy định của đền thờ, mọi người tiến ra trước đại sảnh của đền - nơi đặt bàn thờ cúng sao. Ngồi thành tâm khấn nguyện chờ đến khi thầy trụ trì đọc đến tên của mình, đứng dậy bái lạy trước bàn thờ cúng sao và bàn thờ Thánh là xem như việc cúng sao giải hạn đã hoàn thành xong.

 

Chùa Sơn Long (chùa Hang)

 

Thường chở mẹ đi chùa, như vô tình tôi đã nhiễm cái tính xem tâm linh là một phần cuộc sống của mẹ tôi hồi nào không biết. Nghĩ cũng lạ, cứ bước đến cổng chùa rồi nhẹ nhàng tiến vào chánh điện chìm đắm trong chốn thanh tịnh nơi cửa Phật, tôi thấy lòng mình chợt bình yên hẳn, mọi vướng bận của bụi trần, những bon chen, hiềm khích của thế gian đều được cởi bỏ, tan biến.

Đi chùa đầu năm, theo suy nghĩ của tôi, có lẽ không chỉ là để cầu an, xin lộc mà còn là dịp để gặp gỡ bạn bè, người quen, họ hàng, thăm hỏi nhau, chúc phúc cho nhau, cùng nhau gắn kết hơn những mối thâm tình, vun vén cho những tình cảm vừa nảy nở, hay đơn giản là chỉ để thanh lọc tâm hồn...

8 nhận xét:

  1. Đi chùa mấy ngày tết chổ nào cũng bị chém quá trời. mua nhang nè, trái cây nè, giữ xe nữa nè! Nhất là chùa bà Bình Dương đó, giữ 1 xe honda là 15000đ, Pó tay luôn!

    Trả lờiXóa
  2. Bạn Tiến cũng có thói quen đi chùa ah? Lại dzúng mình nữa rùi..hehe.. Nhưng đừng có nói vậy, Thánh quỡ đó, phải thành tâm mới được phù hộ...Mô phật

    Trả lờiXóa
  3. Woww, đi cũng nhiều quá hen. Nhà H thì đi Chùa Bạch Liên ở Long Thành :-)

    Trả lờiXóa
  4. Mình thì thành tâm, cắn răng cho tụi nó chém, không dán chê mắc. Cúng chùa mà! nhưng còn những kẻ lợi dụng lòng thành của người đi chùa để tăng giá gấp chục lần thì sao? Thánh có quở mấy người đó kg?

    Trả lờiXóa
  5. Năm nay mình bi tam tai mà, phải đi chùa thôi mới mong những điều không may xảy đến voi mình..hehe..

    Trả lờiXóa
  6. Ai làm thì người đấy chịu, bạn Tiến thành tâm nhưng tâm còn nghỉ đến chuyện đắt, rẻ là không được rùi..hehe...

    Trả lờiXóa
  7. Nè bạn, năm nay mình La Hầu đó bạn. Thầy mình nói, ổng mong cho ai cũng đụng sao xấu để người ta lo làm việc thiện, phóng sanh, bố thí...đặng được tai qua, nạn thoát. Mình thấy thầy mình nói cũng...hay đó chứ nhỉ??? T7, Cnhật tuần này đi chùa Châu Đốc nhe bạn, tụi mình chờ hehe.

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn bạn, mình đã thành tâm với Bụt rùi, trong tháng giêng sẽ đi 10 cái chùa cầu mong mọi điều bình an đến cho gia đình, bản thân và mọi người..hehe..

    Trả lờiXóa