Thứ Hai, 29 tháng 3, 2010

Mùa xuân năm ngoái ta tình cờ quen nhau... Đến mùa xuân này ta đã thật sự xa nhau... Buồn thay...

MỘT MÌNH

Thêm một chiếc lá rụng

Thế là thành mùa thu

Thêm một tiếng chim gù

Thành ban mai tinh khiết...

Dĩ nhiên là tôi biết

Thêm một - phiền toái thay

Nhưng mà tôi cũng biết

Thêm một - lắm điều hay

Thêm một lời dại dột

Tức thì em bỏ đi

Nhưng thêm chút lầm lì

Thể nào em cũng khóc!

Thêm một người thứ ba

Chuyện tình đâm dang dỡ

Cứ thêm một lời hứa

Lại một lần khả nghi!

Nhận thêm một thiếp cưới

Thấy mình lẻ loi hơn

Thêm một đêm trăng tròn

Lại thấy mình đang khuyết

Dĩ nhiên là tôi biết

Thêm một - lắm điều hay

 

Thỉnh thoảng, Trí tui đã phải nghe nhiều lời bàn tán và hỏi thăm từ dư luận về tình trạng hôn nhân của mình. Những câu hỏi đại loại như: “Bao giờ lập gia đình?” hay “Định khi nào cho ăn bánh hồng đây?” hoặc “Chừng nào cho nhận thiệp cưới vậy?” được lặp đi lặp lại bởi những người đồng nghiệp, bà con, bạn bè, hàng xóm. Có thể đó là ý tốt, hoặc để thỏa mãn sự tò mò của bản thân họ theo thói quen, nhưng ít nhiều điều đó cũng tạo áp lực cho Trí tui và khiến Trí tui lo lắng, nghĩ ngợi vẩn vơ về những điều người khác nói. Nhưng thiết nghĩ tương lai của mình, mục đích của mình, hạnh phúc của mình không phải là những công cụ để thỏa mãn dư luận. Trí tui không thể lãng phí cuộc đời chỉ để tìm kiếm sự chấp nhận của người khác và tự làm tổn thương bản thân bởi dư luận xã hội.

 

“Tam thập nhi lập” 4 chữ được trích từ câu nói nổi tiếng mà Khổng Tử kể lại các giai đoạn thành đạt của cuộc đời Ngài “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” được hiểu nôn na là bước sang tuổi ba mươi, cái tuổi được coi là quan trọng nhất: bắt đầu đứng được trong xã hội, đã yên bề gia thất, có công ăn việc làm ổn định. Nói người rồi ngẫm đến ta, nghĩ lại thấy đường tình duyên của mình thật lận đận trong khi đó thầy bói nói rằng Trí tui có số “đào hoa”. Cũng đã biết bao lần tìm yêu, hẹn yêu, chờ yêu, đợi yêu,... và cuối cùng hiện giờ nhận được kết quả là con số không tròn trĩnh. Lý do không biết tại tôi hay tại ai???... chỉ biết rằng chữ duyên của Trí tui vẫn chưa chọn được bến đỗ.

 

Bài thơ “Thêm một” của nhà thơ Trần Hòa Bình như là một triết lý nhân sinh cứ thêm một cái này thì ắt phải có cái kia, nó như định mệnh rồi, như trả vay luân hồi, như giáo lý không ai phủ nhận được. Đọc xong bỗng nhiên Trí tui hiểu ra rằng mình phải nhanh chóng từ bỏ suy nghĩ xưa cũ, bớt ích kỷ với bản thân, thay đổi hoàn cảnh, nắm bắt cơ hội và có những quyết định phù hợp để tình yêu không còn vụt bay khỏi tầm tay mình nữa...

 

 

Dẫu biết rằng tình yêu là loại tình cảm không bao giờ cạn trong mỗi con người, chỉ có điều đôi khi nó tiềm ẩn đâu đó trong cách thể hiện theo từng cung bậc cảm xúc khác nhau, trong từng giai đoạn khác nhau cũng như khả năng tìm thấy niềm vui trong tình yêu không hề phai nhạt theo năm tháng và con người sẽ mãi mãi trẻ trung khi đứng trước tình yêu...

 

Nhưng nếu có thể thay đổi hãy... cho tôi lại từ đầu...

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

NHỮNG BỨC THƯ NGÀY CŨ

“Bước chân qua đi, để lại dấu. Sóng xóa đi để lại thời gian. Những kỷ niệm đi qua đời ta, để lại ký ức...”

 

 

Cách đây vài ngày, trong lúc Trí tui tìm kiếm quyển sách cho thằng bạn mượn, bực bội vì đã lục tung trong tủ sách nhưng vẫn không thấy đâu thì vô tình Trí tui phát hiện những bức thư ngày cũ đã nhuốm màu thời gian có tuổi đời hơn 10 năm. Hồi hộp và xúc động, nhẹ nhàng gạt bỏ lớp bụi lần dỡ từng bức thư, biết bao kỷ niệm vui buồn cùng ùa về như làn gió mát xua tan những mệt nhọc, bực bội nảy giờ trong lòng, những hồi tưởng về một thời tuổi trẻ với ký ức thật đẹp được đánh thức.

 

 

Ngày trước, khi điện thoại liên lạc còn là một thứ xa xỉ thì những bức thư đã trở thành chiếc cầu nối, phương tiện rẻ tiền và hữu hiệu nhất để trao đổi thông tin: thư gửi cho cha mẹ, cho vợ chồng, cho con cái, cho người yêu, bạn thân,... Nhờ nó đã tạo nên sợi dây liên kết vô hình giúp giữa họ như không còn khoảng cách để trao gửi những niềm yêu thương.

 

 

“Ninh Hòa, ngày 08/11/1994

... Được biết em học tập tốt và lo lắng cho tương lai của mình anh rất mừng. Vậy là em không phụ lòng cha mẹ, thầy cô và công sức của chính mình. Khi rời Quy Nhơn anh cứ nghĩ không biết em sẽ học hành ra sao, bây giờ khỏi phải lo nữa rồi. Anh chúc em ngày càng thành đạt trên con đường học vấn và sẽ đem lại niềm vui cho cô chú... Năm nay em là sinh viên năm thứ 2 rồi phải không, chắc là cao to lắm hả, cô còn đi dạy không em, chú chắc khỏe chứ? Qua em cho anh gửi lời chúc sức khỏe của cô chú nhé! Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của ngày ấy vẫn còn sống mãi trong anh. Nó vẫn rì rào như sóng biển Quy Nhơn ngày nào...”

Bức thư đầu tiên mà Trí tui xem đầu tiên đó là của anh Nguyễn Quang Hoàn - sinh viên khoa Lý trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, người mà ba mẹ tôi nhờ dạy kèm giúp trong những năm học cấp III, sự nhiệt tình và tận tâm trong cách truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm đã trở thành bàn đạp giúp Trí tui mở toang cánh cửa vào đại học một cách dễ dàng. Mặc dù hiện không còn liên lạc thường xuyên nhưng Trí tui đã xem anh như là một người thân, một thành viên của gia đình.

 

 

“Kontum, ngày 31/5/1998

... Hòa đã lên Kontum lúc 11h00 cùng ngày Trí à. Tối nay nằm nghĩ đến Oanh và Trí, Hòa vô cùng cảm động và cảm ơn trời đất đã đem đến cho Hòa hai người bạn”dễ thương” này. Thật tình mà nói, Hòa rất may mắn mới gặp được Oanh và Trí đó. Trí đừng cho Hòa là “mạch nha” nhen H nói thật lòng đó... Trí có cho Hòa trút bầu tâm sự không nè? Dù muốn hay không Hòa cũng cứ tâm sự với Trí qua trang giấy này. Nếu Trí không muốn thì ngay tại đây Trí đừng đọc nữa và hãy đốt nó đi. Cũng chưa muộn phải không Trí...

Kontum, ngày 07/3/1999

Nhận được thiệp mừng 8-3 của Quy Nhơn. Nhìn nét chữ, Hòa đoán ngay là Trí mà. Cảm ơn Trí nhiều nha. Hiền rất vui đó Trí, Trí biết sao không vì đây là thiệp mừng của Trí mà lại là thiệp Hòa nhận được đầu tiên nữa đấy. Nhưng Trí nè! Nếu Trí làm siêng viết cho Hòa mấy dòng nữa thì càng vui hơn đó... Tụi mình phải cố gắng công tác tốt Trí nhé! Tất cả vì sự nghiệp tương lai của chúng ta. Trí có đồng ý không? Nhất định rồi phải không Trí?...

Ngọc Hồi, ngày 23/11/1998

... Trí nè! Còn về chuyện việc làm của mình Hòa nghĩ tụi mình là lính mới mà cho nên dù có bị ép đến đâu mình cũng phải cố gắng vượt qua, thời gian sẽ khẳng định được mình thôi, người ta họ nói “Già rồi còn dại” mà. Làm việc một thời gian mình sẽ có kinh nghiệm với lại biết tính “các sếp” thì cái gì rồi cũng xong thôi, phải không Trí, Trí đừng có buồn nghen...”

Cô bạn Trần Thị Hòa - Sinh viên khoa Hóa trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, người mà Trí tui hân hạnh biết mặt trong thời gian đi thực tập. Nghĩ cũng lạ, người ta biết nhau hàng mấy năm mới trở nên thân thiết nhưng Trí tui chỉ cần 2 tháng thôi đã làm cho cô bé Hòa cảm mến. Nhớ lắm những nụ cười, những cái nhìn vụng trộm, những câu nói trêu đùa của cái thời sinh viên lắm vô tư, nhiều mơ mộng. Một chuyện vui mà Trí tui nhớ hoài là rất hay thường gọi nhầm tên cô bé Hòa thành Oanh (là một cô bạn chơi trong nhóm) và ngược lại, để trả thù 2 cô bé đã đặt ra luật “mỗi lần gọi sai tên bị mất một chầu chè” và Trí tui không biết bao nhiêu lần phải dẫn cả hai đi ăn chè vì cái “tội” gọi sai tên. Thời gian trôi qua, bây giờ cô bé Hòa đã trở thành cô giáo trường THCS chuyên Kontum và cô bé Oanh cũng là cô giáo trường THCS Hùng Vương - TP. Quy Nhơn rồi đấy.

 

 

“Bạc Liêu, ngày 10/7/1995

... Bạn bè lâu lâu viết thư thăm nhau “mầy, tao” nghe sợ quá hà! Có gì đâu không viết thư thăm nhau mà trong lòng mình luôn nhớ tới bạn là đủ rồi, Trí nghĩ có phải không... Nghe Trí kể về học tập của Trí mình cảm thấy mừng lắm, bàn bè viết thư thăm mà nói sao hết nỗi mừng. Vậy là khoảng 2-3 năm nữa đất Quy Nhơn sẽ được đón tiếp một thầy giáo Nguyễn Trọng Trí vui tánh mà nhớ đừng có giận nghen... À! Mà quên lúc Trí viết thư gửi cho mình, sau mặt bìa thư Trí có để địa chỉ ngoài nhà sợ mình quên. Nói thật, địa chỉ ấy mình không sao mà quên được, bộc bạch cho hết để không thôi Trí giận mình nữa thì nguy. Trí có kể lúc mình đang học khóa hè ở trên Sài Gòn mình nghĩ lại cảm thấy vui quá, bây giờ dễ gì tìm lại được những thời gian đó Trí há...”

Mùa hè năm 1992, lần đầu tiên trong đời đặt chân lên đất Sì Gòn với thật nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm. Trí tui đăng ký tham gia học khóa hè và ở trọ trong ký túc xá trường Đại học Bách khoa TP-Hồ Chí Minh. Là dân tỉnh mà nên Trí tui ngại tiếp xúc với bạn bè cùng phòng, phần vì cũng sợ nữa nên sống rất khép kín. Và anh chàng Lê Minh Thiện là người chủ động làm quen và giúp Trí tui thoát khỏi cái vỏ bọc cùng sống vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Ba tháng hè cũng trôi qua nhanh chóng và đến lúc cũng phải nói lời tạm biệt, bao lời hứa hẹn cùng những cái bắt tay thật chặt đã làm chúng tôi không khỏi xúc động. Một bữa tiệc chia tay “hoàng tráng” rất ư ngộ nghĩnh: hai thằng đã “chiến đấu” hết 1 kg kem mà đến giờ Trí tui cũng không nghĩ ra làm sao có thể ăn hết được. Vì hoàn cảnh và công việc nên hiện nay chúng tôi đã mất liên lạc, nhưng Trí tui vẫn hy vọng một ngày nào đó chúng tôi sẽ gặp lại nhau hay có thể tình cờ anh chàng Thiện đọc được những dòng trong entry này thì sao???

 

 

“Sài Gòn, ngày 24/5/1999

... Nhận được thư của thầy em vui lắm vì em còn biết thầy còn nhớ đến nhỏ học trò ở lớp thực tập khi xưa của thầy. Thầy biết không em viết thư đi nhưng không có một chút gì là chắc rằng sẽ có tin lại, nhưng em biết thầy rất bận nên chẳng buồn đâu. Em chỉ muốn có một ai đó mà mình có thể trút được những tâm sự của mình, ngoài Thảo ra thì người thứ hai em tin tưởng là thầy đó, vì thầy có thể cho em những lời khuyên và động viên rất cần thiết...

Sài Gòn, ngày 20/11/1998

... Đọc thư thầy tự nhiên em cảm thấy như là những kỷ niệm hồi thời gian thực tập của thầy chỉ mới vừa qua thôi, thầy nói rất đúng những kỷ niệm đó nó sẽ còn đẹp mãi và in mãi trong ta chỉ khi nào chúng ta biết trân trọng và giữ gìn nó. Thầy còn nhớ đợt đi chơi ở nhà Tài không trên Long Mỹ đó, lúc đó thầy trò mình đi hái trộm xoài, khi đi thì thầy lịch sự lắm áo đóng thùng nhưng lúc hái xoài rồi thì như dân bụi, miệng thì nói thích đi hái trộm nhưng trong bụng thì sợ thót tim... Mặc dù bây giờ thầy không còn là một giáo viên nữa nhưng thầy cũng đã cho em hai tháng thực tập rất là bổ ích và đầy kỷ niệm, người ta nói “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” mà thầy...

Sài Gòn, ngày 02/11/1999

.... Còn thầy đáng lý ra em không thèm viết thư cho thầy đâu, thầy dễ ghét lắm chẳng bao giờ chịu viết thư cho em cả, nhưng hôm nay phòng đi hết ở nhà một mình học hoài cũng chán nên mới viết thư cho thầy đó. Mà tính đi tính lại một tuần thầy vẫn còn thời gian rỗi mà, à em biết thời gian đó thầy làm gì rồi, đáp ứng như cầu của heart phải không?.... Thầy à thầy có thể thu cho em một cuốn băng nhạc được không thầy? Em muốn nghe một băng nhưng chỉ toàn là những bài mình thích thôi, những loại nhạc và bài hát thầy nghe và viết cho em em thích lắm và em thấy rất hợp với loại nhạc này...”

Trí tui còn nhớ mãi cái nụ cười thật hồn hiên và trong sáng của cô học trò nhỏ Trương Bảo Dung - lớp phó học tập lớp 10D mà Trí tui thực tập và chủ nhiệm. Khoảng thời gian thực tập có thể nói rằng là một trong những cột mốc đẹp nhất trong cuộc đời Trí tui, ngày đó Trí tui rất may mắn vì được mấy cô cậu học trò trong lớp quý mến. Vì sao ư? Đơn giản thôi nếu biết sống hòa đồng, thông cảm và sẻ chia. Nhớ nhất là vào dịp 8/3, Trí tui đã tạo một sự bất ngờ với các cô học trò nữ trong lớp bằng cách tổ chức cho các bạn nam tặng mỗi người một đóa hồng thật xinh. Nước mắt đã rơi cùng lời cảm ơn chân thành về sự quan tâm. Chia tay rồi nhưng Trí tui cứ thấy quyến luyến làm sao, lần đầu tiên trái tim Trí tui đã rung động chỉ vì một nụ cười. Chia tay nhưng rồi mình sẽ gặp lại em nhé...

 

 

“Hoài Ân, ngày 05/11/1995

... Đầu thư, mình xin cầu chúc cho Trí cùng gia đình vạn sự như ý... Dạo này học hành của Trí vẫn bình thường chứ. Còn sức khỏe có sút ký nào không hay đã trở thành cục bột của trường sư phạm rồi... Trong thư bận trước Trí nói là ra Hoài Ân với bác mà có ra không, hay đã khiếp vía cái đất Hoài Ân rồi. Vậy mà cái đất Hoài Ân này đối với mình là một sự ràng buộc không thể xa nó được và bằng mọi giá phải gắn bó với nó... Suốt ba tháng nay mình đang chờ chỗ đứng trong công việc với một sự buồn chán rất khó tả. Cái giá mà mình phải trả để được ở lại gần nhà thật là quá đắt đối với mình... Nhưng nói thì nói vậy chứ mình nghĩ rằng hết đêm thì lại sáng mà hết mưa rồi sẽ tạnh thôi...”

Hồ Hải Hoan - cái tên với 3 chữ H mà Trí tui biết thông qua một người bạn thân khi học luyện thi đại học nhưng cũng đã trở thành người bạn thân của Trí tui hồi nào không hay. Học giỏi, có cá tính và đã thi đại vào khoa Toán trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn nhưng chỉ vì không đủ tiền nên cánh cổng đại học đã đóng sầm trước mắt của anh ta. Buồn nhưng không nản chí.. Nhờ sự động viên và giúp đỡ của bạn bè, Hoan đã ghi danh theo học lớp Trung cấp điện ở Hội An - tỉnh Quảng Nam. Cũng mừng cho nó vì bây giờ đã là Trưởng trạm điện của huyện Hoài Ân rồi đấy, xây nhà và sắm sửa đầy đủ mọi thứ rất hoành tráng...

 

“Quy Nhơn, ngày 15/6/1997

... Làm ở Sài Gòn mình không thể chen chân vào nhà nước được, nay có việc mai thất nghiệp là chuyện thường... Về ngoài này làm công việc ổn định con chăm học sẽ giỏi chứ chả hề gì. Quy Nhơn cũng lắm người tài. Còn làm ở đây có điều kiện rồi cũng sẽ đi đây đi đó. Trong xã hội mỗi người một việc, mình không thể ôm đồm tất cả mọi việc được... Nếu mình chậm chân người khác họ vào mình sẽ mất cơ hội...”

Mẹ tôi, một đời vất vả lo cho gia đình, chồng con nhưng chưa hề than vãn một lời nào, tảo tần năm này qua năm khác chỉ vì một lý do duy nhất là muốn con cái nên người và có một vị trí nhất định trong xã hội. Rời Sài Gòn, chuyến trở về của Trí tui là một quyết định đúng đắn và không bao giờ hối hận về những việc mình đã làm.

 

 

... Và còn rất nhiều bức thư khác nữa nhưng có một bức thư được ép cẩn thận trong quyển từ điển Việt-Anh đã hơn 12 năm rồi mà Trí tui chưa lần nào mở ra đọc, đó là bức thư của chị Hai đã gửi sau một trận cãi vã nảy lửa “bất phân thắng bại” với kết quả không nhìn mặt nhau chỉ vì một chuyện không đâu. Thời gian sau, mặc dù mối quan hệ giữa hai chị em đã trở lại bình thường nhưng Trí tui vẫn không đủ can đảm để mở ra xem. Có thể Trí tui sợ đọc một điều gì đó nằm trong nội dung của bức thư hay đơn giản chỉ muốn kỷ niệm buồn đó trôi vào quên lãng... Và Trí tui cũng không biết bức thư đó đến khi nào được mở ra... 1 năm... 10 năm... 20 năm sau hoặc sẽ không bao giờ...

 

 

Ngày nay, với cuộc sống gấp gáp của xã hội hiện đại cùng sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, hàng loạt những phương tiện dùng để trao đổi thông tin ra đời như điện thoại di động, email, chat,... các mạng xã hội như Myspace, Facebook, Twitter,... đã dần được thay thế và chiếm vị trí độc tôn khiến cho việc liên lạc bằng thư từ gần như bị quên lãng và trở nên lạc hậu.

Nhưng có lẽ trong tâm trí của mọi người cùng thể hệ với Trí tui thì những bức thư ngày cũ đã trở thành một phần ký ức của cuộc sống, là nơi lưu giữ những hỉ nộ ái ố đã xảy ra trong quá khứ để mỗi khi đọc chúng, Trí tui dường như sống lại cái tuổi học trò với những trò chơi tinh nghịch, những buổi đi dã ngoại thật hồn nhiên; cái tuổi sinh viên với những hoài bão, ước mơ đầu đời thật giản dị... rồi sau đó tự nhủ rằng: Ngày xưa Trí tui có rất nhiều kỷ niệm. Biết đâu!

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

ĐI LỄ CHÙA NGÀY RẰM THÁNG GIÊNG

Nhiều người tin rằng rằm tháng giêng - rằm đầu tiên trong năm - là ngày đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của phật tử. Tuy không đông đúc nhưng rằm tháng giêng vẫn là một dịp các chùa chiền thu hút nhiều người đến lễ Phật bởi quan niệm: “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”.

 

Chùa Long Khánh

 

Dù có là phật tử hay không thì những người đi chùa ngày rằm tháng giêng đều có chung một ước nguyện: cầu mong cho gia đình được bình an, hạnh phúc, khỏe mạnh. Người trẻ chưa có gia thất đang mơ về một ý trung nhân thì thêm ý nguyện cầu duyên; người khó khăn đường con cái thì cầu tự; người buôn bán làm ăn thì cầu tài cầu lộc; người già thì xem việc đi chùa vào những dịp lễ lạt như là một niềm vui, giúp cho tâm hồn thanh thản, giảm bớt sân si. Và mẹ tôi cũng là một người như vậy.

 

Chùa Di Đà Thập Tháp

 

Đứng ở góc nhìn của đạo Phật, Hòa thượng Thích Nguyên Phước - trụ trì Tổ đình Long Khánh - lý giải: “Ngày rằm chỉ là một trong nhiều thời điểm đi lễ chùa của tháng giêng. Mùa lễ lạt, hành hương về với các chùa chiền đã bắt đầu trước đó, từ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ - năm mới và kéo dài cho đến hết tháng giêng. Đi chùa trong tháng giêng là một nét văn hóa truyền thống của người Việt ta. Vào lúc giao thừa, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người ta đi chùa cầu cho năm mới được an vui, may mắn, cầu Phật gia hộ cho gia đình mình được bình an. Mùng 1 Tết là ngày vía đức Phật Di lặc, ngài là biểu thị cho sự hoan hỉ, vui vẻ, nên nhiều người đi chùa để mong niềm vui đến với mình cả năm. Những ngày xuân sau đó, người ta đi chùa cầu an. Rằm tháng giêng, còn được gọi là thượng nguyên giai tiết, là ngày rằm đầu năm, nên người đi chùa hướng tâm cầu nguyện cho bản thân, gia đình, gia đạo được bình an, may mắn, đắc tài đắc lộc trong năm mới”.

Đi chùa, ngoài lễ bái, thì trong niềm tin của nhiều người, xin được một chút lộc của nhà chùa sẽ được may mắn cả năm. Lộc đầu năm, đó có thể là một cành lá non hái trong vườn chùa, bởi cành lá đang đâm chồi là biểu thị cho sự tiến tới, cho tương lai tươi đẹp. Có khi lộc là một phong bao trong đó có tờ 500 đồng hoặc 1.000 đồng mới mà nhà chùa ban cho thiện nam tín nữ. Và lộc xuân của nhà chùa, lại có lúc là một phong bao đỏ trong có tấm hình đức Phật và lời chúc Tết. Một hòa thượng ở Tổ đình Long Khánh cho biết, Tết Canh Dần qua, chùa làm mấy ngàn “lộc xuân” như thế và đã được hái hết veo trong tối giao thừa và sáng mùng 1 Tết.

 

Chùa Ông Núi (chùa Linh Phong)

 

So với những ngày lễ lớn trong năm (Lễ Phật Đản, Vu Lan, rằm tháng 8, Tết Nguyên đán,...), dịp rằm tháng giêng là ngày khiến gia đình tôi chộn rộn nhất vì chuẩn bị cho việc cúng sao giải hạn. Ngay từ những ngày đầu năm mới, mẹ tôi đã lục đục đi đóng tiền, đăng ký tên và ngày sinh của tất cả mọi người trong nhà tại đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (nơi mà từ lâu mẹ tôi đã có niềm tin vào sự phù hộ, độ trì cho gia đình tôi vượt qua những thời điểm khó khăn nhất).

Và chỉ mỗi dịp cúng sao giải hạn gia đình tôi tập trung đi đông đảo nhất, ngay từ lúc chiều mẹ tôi đã dặn mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo tươm tất để đúng 19h00 bắt buộc phải có mặt tại đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Năm nay cả nhà tôi đều có sao chiếu mệnh xấu cả: mẹ tôi sao Thái Bạch, chị tôi cùng anh rể sao Kế Đô, tôi sao Thái Âm, chỉ mỗi ba tôi là có sao chiếu mệnh tốt thôi. Sau khi thực hiện những thủ tục thắp nhang, lễ Thánh theo quy định của đền thờ, mọi người tiến ra trước đại sảnh của đền - nơi đặt bàn thờ cúng sao. Ngồi thành tâm khấn nguyện chờ đến khi thầy trụ trì đọc đến tên của mình, đứng dậy bái lạy trước bàn thờ cúng sao và bàn thờ Thánh là xem như việc cúng sao giải hạn đã hoàn thành xong.

 

Chùa Sơn Long (chùa Hang)

 

Thường chở mẹ đi chùa, như vô tình tôi đã nhiễm cái tính xem tâm linh là một phần cuộc sống của mẹ tôi hồi nào không biết. Nghĩ cũng lạ, cứ bước đến cổng chùa rồi nhẹ nhàng tiến vào chánh điện chìm đắm trong chốn thanh tịnh nơi cửa Phật, tôi thấy lòng mình chợt bình yên hẳn, mọi vướng bận của bụi trần, những bon chen, hiềm khích của thế gian đều được cởi bỏ, tan biến.

Đi chùa đầu năm, theo suy nghĩ của tôi, có lẽ không chỉ là để cầu an, xin lộc mà còn là dịp để gặp gỡ bạn bè, người quen, họ hàng, thăm hỏi nhau, chúc phúc cho nhau, cùng nhau gắn kết hơn những mối thâm tình, vun vén cho những tình cảm vừa nảy nở, hay đơn giản là chỉ để thanh lọc tâm hồn...

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

BÁNH HẠT SEN... CÒN ĐÓ CHÚT HƯƠNG VỊ NGÀY TẾT

 

 

Không biết từ bao giờ… mà chắc có lẽ đã lâu lắm rồi, khi tôi còn là một cậu bé chưa hiểu biết nhiều, ham chơi hơn ham học, chỉ mong đến ngày Tết để nhận được nhiều tiền lì xì thì bánh hạt sen đã hiện diện trong nhà tôi vào mỗi độ xuân về qua lời kể của chị Hai tôi.

Biết là vậy nhưng chưa từng bao giờ tôi tự hỏi, để làm ra bánh hạt sen thơm ngon thì người làm bánh phải mất bao nhiêu thời gian, dễ hay khó, gồm bao nhiêu công đoạn, vì sao nó luôn có mặt trong nhà vào những dịp Tết. Cho đến một ngày...

 

 

Hằng năm, trước Tết Nguyên đán độ 1 tuần, đã thành thông lệ tôi và gia đình về quê mẹ ở Bồng Sơn để viếng mộ bà ngoại - người mà tôi yêu quý nhất đã giã từ cõi trần vào mùa hè năm 2003. Tình cờ tôi được chứng kiến những khâu làm bánh hạt sen, thứ bánh đã mê hoặc tôi từ nhỏ bởi những vỏ bọc xanh, đỏ đủ màu sắc của nó. Tôi thật sự tự hào vì ở Bồng Sơn vẫn còn có một số hộ gia đình làm bánh thủ công theo truyền thống để giữ hương vị mùa xuân, trong đó có dì tôi (là chị em bạn dì với mẹ của tôi) - người đã gắn bó với nghề này như là một cái nghiệp đã ăn vào máu thịt của mình.

 

 

Việc làm bánh hạt sen cũng lắm công phu, đầu tiên đậu xanh cà loại ngon sau khi mua về được ngâm với nước cho nở ra mục đích thuận tiện trong việc đãi vỏ, tiếp theo mang đậu xanh đã đãi sạch vỏ đổ vào chõ hấp đến khi hạt đậu nở đều thì đưa vào cối để xay (không phải giã bằng tay như trước kia). Sau công đoạn xay nhuyễn, khâu quan trọng nhất giúp cho bánh được ngon mà bất cứ người làm bánh nào cũng cần phải biết là liều lượng đường trộn vào, cứ 1 kg đậu xanh thành phẩm trộn 1,2 kg đường để trong khoảng thời gian 3 giờ đồng hồ cho đường thấm đều vào đậu xanh. Tiếp theo mang đậu đã được trộn đường bắt lên bếp than để ngào, lưu ý lửa than phải được can bằng tro sao cho lửa đủ độ nóng. Người làm bánh lúc này rất khó khăn vì phải có đôi tay thực sự năng động khuấy đều liên tục thì bánh mới không bị cháy xém (nếu bị cháy thì xem như mẻ bánh đó không thành công), đến khi thử dùng ngón tay sờ vào mà không dính thì xem như đã hoàn thành xong khâu ngào bánh. Bánh được mang xuống bếp đến khi nguội thì chuyển sang viên tròn, nhìn bàn tay thăn thoắt viên bánh một cách khéo léo của dì mà tôi cảm nhận được tình yêu dì đã dành cho cái nghề làm bánh hạt sen này, tôi thầm trộm nghĩ hình như dì sinh ra để làm cái nghề này thì phải.

 

 

Công đoạn sấy bánh cũng không kém phần quan trọng, bánh được xếp trên một cái mâm tự chế được đục lỗ đều phía dưới, nắp đậy dì tôi tận dụng bằng cách lấy khung sườn để đan nón lá, dán giấy báo ở trên để giúp bánh giữ độ nóng. Bí quyết của người làm bánh là phải làm sao khi bánh sấy xong phải có hai da (bên ngoài khô nhưng lên trong vẫn còn ướt) thì bánh mới ngon.

Công đoạn cuối cùng là gói bánh, giấy kiếng nhiều màu (ngày xưa thường được sử dụng để phất lên những chiếc đèn Trung thu) được cắt cẩn thận với kích cỡ đủ để gói bánh, tạo tua bằng cách sắp đều hai đầu rồi vặn lại nhằm đảm bảo vệ sinh và giúp cho bánh giữ được lâu mà không bị mốc.

 

 

Cắn một miếng bánh và uống ngụm nước chè, tôi cảm nhận nhận được ngay mùi thơm của đậu xanh lan toả trong miệng, cảm nhận được công sức và tâm huyết của người làm bánh đã đổ vào đó. Dì tôi nói vui pha lẫn tự hào: “Nhiều người đi xa về quê, hay khách thập phương đến Bình Định thường mua bánh hạt sen làm quà bởi nó rất ngon, tốt cho sức khỏe”.

Như một thói quen đã in sâu trong tiềm thức của người dân sinh sống tại Bồng Sơn, mỗi khi những gia đình xay đậu, nổi lửa làm bánh là họ thấy không khí ấm áp của mùa xuân. Những bì bánh này được bày bán khắp nơi và len lỏi vào những quả bánh của gia đình để góp thêm một hương vị ngày Tết.

Một hương vị ngày Tết mộc mạc, chân quê nhưng thấm đẫm tình người...