Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh…
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh…
Lúc còn nhỏ, bọn con nít chúng tôi mỗi khi nhìn lên bầu trời thấy trăng sáng vằng vặc và nghe tiếng trống múa lân rập rình vang lên là nôn nao, náo nức chạy ra đường để xem vì biết rằng Trung Thu đã đến rồi!!!
Thật may mắn cho ai nếu có mặt ở quê tôi đúng vào dịp tối rằm tháng 8 sẽ không khỏi bất ngờ và thích thú với khung cảnh nhộn nhịp, rộn rã của các đoàn lân trên khắp nẻo đường thành phố Quy Nhơn.
Người ta quan niệm rằng lân múa trước nhà cũng là lời chúc may mắn nên thường mời lân đến múa khi có đoàn lân đi qua. Và đây cũng là dịp để họ cầu xin chút lộc, sức khỏe và bình an cho gia đình mình.
Thường mỗi đoàn lân gồm có con lân và ông địa, năm nay xuất hiện thêm 2 nhân vật Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới, đi kèm theo đó là chiếc xe ba gác để đẩy cái trống và người đánh trống. Con lân gồm có đầu lân trông thật oai vệ, dũng mãnh nối với một tấm vải nhiều màu sắc tượng trưng cho mình lân.
Có hai người điều khiển con lân: một người điều khiển phần đầu và một người giữ đuôi. Người điều khiển phần đầu lân là nặng công nhất. Chỉ cần nhìn người đó mồ hôi nhễ nhại sau khi múa một thời gian ngắn là đủ biết, mặc dù họ đều là những chàng trai lực lưỡng.
Trang phục của người múa lân là áo màu vàng hay màu đỏ, chân đi giầy, ông địa thì đầu tròn, bụng to phệ, cầm cái quạt mo phe phẩy, gương mặt tươi cười vui vẻ, Tôn Ngộ Không thì ngỗ nghịch, lý lắc với cây thước bản trên tay, Trư Bát Giới thì hiền lành, đáng yêu với cái mũi giống lợn và hai cái tai to đùng.
Trước hết, lân vào nhà gia chủ lạy ba lạy rồi bắt đầu tiến hành múa. Cứ mỗi lần có tiếng trống giục, lân múa càng nhanh và hăng say rồi sau đó leo tuốt lên một cái cột cao để nhận tiền thưởng của gia chủ vốn thường hay cột bởi sợi dây nối với một khúc cây được đưa ra ngoài ban công.
Những người xem đứng dõi theo lân leo cột mà hồi hộp không kém và cùng vỡ òa trong niềm vui sướng khi lân “ngậm” thành công tiền thưởng .
Cuối cùng, lân xá ba cái chào cảm ơn gia chủ rồi cùng đoàn lân sang nhà khác.
Tiếng cười, tiếng trống, tiếng la ó, tiếng hò hét hòa quyện vào nhau làm nên không khí mùa Tết Trung Thu thật là vui vẻ, tưng bừng mà ấm áp khiến người ta quên đi bao nỗi nhọc nhằn, gian khổ trong cuộc sống đời thường và nó trở thành động lực để họ tiếp tục sống, phấn đấu vươn lên cho một ngày mai tốt đẹp hơn.